Hỗ trợ trực tuyến

Các chế độ mà người lao động được hưởng khi tham gia bảo hiểm

Có 03 loại bảo hiểm mà người lao động bắt buộc phải tham gia khi giao kết hợp đồng lao động bao gồm: Bảo hiểm Xã hội; Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Thất nghiệp. Riêng đối với Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì trách nhiệm tham gia thuộc về người sử dụng lao động. Các loại bảo hiểm nêu trên bao gồm những chế độ sau đây:

1. Chế độ ốm đau

Trong trường hợp người lao động (sau đây gọi tắt là “NLĐ”) là đối tượng tham gia Bảo hiểm Xã hội bắt buộc (sau đây gọi tắt là “BHXH”) phải nghỉ việc do bị ốm, bị tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hoặc nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ được hưởng chế độ ốm đau.

2. Chế độ thai sản

Lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ, lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi sẽ hưởng chế độ thai sản nếu đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con.

Ngoài ra, lao động nam đang đóng BHXH khi có vợ sinh con cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 31 của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014.

3. Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động mà NLĐ bị tai nạn lao động dẫn đến bị thương, tử vong hoặc NLĐ bị bệnh nghề nghiệp do điều kiện lao động có hại của nghề nghiêp tác động thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, NLĐ sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động hoặc chế độ bệnh nghề nghiệp nếu đáp ứng đủ điều kiện.

4. Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản

Sau khi đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm hoặc ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong 30 ngày đầu trở lại làm việc NLĐ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe nếu sức khỏe chưa phục hồi.

5. Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

NLĐ sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

6. Chế độ hưu trí

Khi NLĐ đủ điều kiện nghỉ lương hưu, tức là đáp ứng điều kiện về tuổi và thời gian đóng BHXH thì sẽ được hưởng lương hưu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

7. Chế độ tử tuất

Trong trường hợp NLĐ đang tham gia BHXH, đang hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng, v.v mà bị chết thì những thân nhân của đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật sẽ được hưởng chế độ tử tuất.

8. Trợ cấp thất nghiệp

Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, NLĐ có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng một số điều kiện cụ thể. Khoản trợ cấp này là một trong các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và là khoản bù đắp nhằm hỗ trợ NLĐ trong thời gian không có việc làm.

9. Hưởng quyền lợi Bảo hiểm Y tế

Người lao động tham gia Bảo hiểm Y tế (sau đây gọi là “BHYT”) được quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con theo mức cụ thể.

Có thể thấy, đối với người sử dụng lao động, việc tham gia bảo hiểm là nghĩa vụ chấp hành pháp luật. Đối với NLĐ, việc tham gia bảo hiểm còn đảm bảo quyền lợi cho chính họ. Vì vậy, cả người sử dụng lao động lẫn NLĐ nên tham gia các loại bảo hiểm một cách tự giác, đầy đủ thay vì tìm cách trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Lao động năm 2012.

– Luật Bảo hiểm Y tế năm 2008.

– Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014.

Thẻ: