Hỗ trợ trực tuyến

Khi bắt đầu làm quen với kế toán, chúng ta thường gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức bởi những thuật ngữ chuyên ngành của kế toán thường ít khi dùng đến trong cuộc sống thường ngày. Để giúp các bạn những ai muốn hiểu sâu hơn về ngành nghề kế toán, Kế Toán AMOD sẽ liệt kê một số từ ngữ thường được sử dụng và ý nghĩa của những từ đó:

1.  Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động.

2.  Kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán.

3.  Kế toán tài chính là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính bằng báo cáo tài chính cho đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin của đơn vị kế toán.

4.  Nghiệp vụ kinh tế, tài chính là những hoạt động phát sinh cụ thể làm tăng, giảm tài sản, nguồn hình thành tài sản của đơn vị kế toán.

5.  Kỳ kế toán là khoảng thời gian xác định từ thời điểm đơn vị kế toán bắt đầu ghi sổ kế toán đến thời điểm kết thúc việc ghi sổ kế toán, khóa sổ kế toán để lập báo cáo tài chính

6.  Năm tài chính: được hiểu đơn giản là thời kỳ hạch toán, báo cáo của Doanh nghiệp. Chi tiết về các loại năm tài chính, ngày bắt đầu, ngày kết thúc…

7.  Chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán.

8.  Tài liệu kế toán là chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị, báo cáo kiểm toán, báo cáo kiểm tra kế toán và tài liệu khác có liên quan đến kế toán.

9.  Đơn vị kế toán là đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 2 của Luật kế toán có lập báo cáo tài chính:

–  Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

–  Đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

–  Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

–  Hợp tác xã.

–  Hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác.

10.  Kiểm tra kế toán là xem xét, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về kế toán, sự trung thực, chính xác của thông tin, số liệu kế toán.

11.  Hình thức kế toán là các mẫu sổ kế toán, trình tự, phương pháp ghi sổ và mối liên quan giữa các sổ kế toán.

12.  Hành nghề kế toán là hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán của doanh nghiệp hoặc cá nhân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện dịch vụ kế toán.

13.  Phương pháp kế toán là cách thức và thủ tục cụ thể để thực hiện từng nội dung công việc kế toán.

14.  Chế độ kế toán là những quy định và hướng dẫn về kế toán trong một lĩnh vực hoặc một số công việc cụ thể do cơ quan quản lý nhà nước về kế toán hoặc tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước về kế toán uỷ quyền ban hành:

Chế độ kế toán doanh nghiệp: Thông tư 200/2014/TT-BTC thay thế QĐ 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/03/2006

Chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ: QĐ 48/2006 ngày 14/09/2006

(Được sửa đổi – bổ sung bởi thông tư 138/2011/TT-BTC)

Chế độ kế toán công ty chứng khoán: QĐ 99/2000/QĐ-BTC ngày 13/06/2000

Chế độ kế toán công ty Bảo hiểm: QĐ 1296/1996/QĐ-BTC

Chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp QĐ 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/03/2006

Đối với sở giao dịch chứng khoán áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp theo QĐ 15/2006 và Thông tư 132/2007 ngày 08/11/2007.